Chiều 27/6, thảo luận tại hội trường về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Đại biểu Trần Thị Thu Phước (đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum) cho rằng, cần quy định cụ thể trách nhiệm của người dân về trang bị các thiết bị báo cháy, báo khói.
Đại biểu Phước cho biết, thời gian qua, một trong những vấn đề vướng mắc, bất cập đó là công tác quản lý trên nhiều lĩnh vực của các cơ quan chức năng chưa thực sự hiệu quả, để xảy ra tình trạng xây dựng các công trình nhà ở riêng lẻ, có nhiều tầng, nhiều căn hộ không tuân thủ quy định của pháp luật.
Vì vậy, dự thảo luật đã bổ sung nhiều quy định giải quyết các công trình hiện hữu chưa bảo đảm an toàn về phòng cháy, chữa cháy.
Đại biểu cũng đề nghị, nếu chính sách này được Quốc hội thông qua, cần kịp thời ban hành các kế hoạch triển khai thực hiện nhanh chóng, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành, địa phương, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu.
Đại biểu Trần Thị Thu Phước - đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum.Bên cạnh nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, dự thảo luật cũng cần bổ sung quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của người dân về trang bị các thiết bị báo động cháy, báo khói; khuyến khích lắp đặt hệ thống báo cháy tự động hoặc từ xa thông qua các thiết bị điều khiển thông minh.
Đồng thời, đại biểu cho rằng cần nghiên cứu xây dựng hệ thống dữ liệu khuyến khích người dân chia sẻ dữ liệu từ các thiết bị báo cháy gia đình lên hệ thống dữ liệu chung của cơ quan chức năng để làm tốt công tác cảnh báo.
Nêu ý kiến về nội dung này, đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông) đề nghị cần làm rõ hơn điều kiện bảo đảm an toàn phòng cháy đối với nhà ở kết hợp kinh doanh.
Trước những vụ cháy, nổ liên tiếp xảy ra trên cả nước trong thời gian qua, đại biểu Dương Khắc Mai bày tỏ tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác bảo đảm an ninh, trật tự; bảo vệ tính mạng, sức khỏe con người, tài sản của nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Góp ý về một số nội dung cụ thể về Phòng cháy đối với nhà ở (Điều 17), đại biểu cho rằng dự thảo Luật chưa có những quy định cụ thể về điều kiện đảm bảo PCCC, đặc biệt là nhà ở kết hợp với sản xuất, kinh doanh. Do đó, đại biểu đề nghị làm rõ hơn điều kiện bảo đảm an toàn phòng cháy đối với nhà ở kết hợp kinh doanh, có đánh giá tác động cụ thể, kỹ lưỡng hơn để đảm bảo tính khả thi khi triển khai Luật.
Cho ý kiến vào dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định), cho biết, trong giải thích từ ngữ có quy định về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, thoát nạn nhưng phần lớn các nạn nhân tử vong do không biết cách thoát nạn khi các lực lượng cứu nạn chưa đến kịp để tổ chức thoát nạn.
Vì vậy, đại biểu cho rằng, thoát nạn là việc cá nhân, nhóm người phải tự mình di chuyển để thoát khỏi khu vực đang xảy ra sự cố cháy nổ, sự cố gây nguy hiểm theo lối thoát nạn, đường thoát nạn có sẵn. Như vậy, thoát nạn không nằm trong khái niệm phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn hay cứu hộ.
Do đó, luật nên chia ra 5 phần chính gồm: phòng cháy, chữa cháy, thoát nạn, cứu nạn, cứu hộ. Luật sẽ bổ sung giải thích từ ngữ về thoát nạn và tên luật có thể được điều chỉnh thành Luật Phòng cháy, chữa cháy, thoát nạn, cứu nạn, cứu hộ.
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh - đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định.Luật cũng cần có một chương riêng quy định về thoát nạn; chương này sẽ quy định trách nhiệm hướng dẫn người dân, học sinh, sinh viên, trẻ em quy trình thao tác thoát nạn ở các không gian vị trí, hoàn cảnh khác nhau để nâng cao hiệu quả thoát nạn.
Về trách nhiệm chữa cháy quy định tại Điều 24, đại biểu cho biết điểm c khoản 1 điều này quy định: cơ quan y tế, điện lực, cấp nước, môi trường, đô thị, giao thông và cơ quan chức năng có liên quan khi nhận được yêu cầu của người chỉ huy chữa cháy phải nhanh chóng điều động người và phương tiện đến nơi sẽ cháy để phục vụ chữa cháy.
Đại biểu cho rằng, ở nhiều nước khi có tình huống khẩn cấp, có cháy nổ, họ điều động cùng một lúc ba lực lượng cảnh sát, chữa cháy, y tế. Đối với Việt Nam, chưa đủ điều kiện để huy động cả ba lực lượng trong tất cả các trường hợp cháy nổ.
Tuy nhiên, chúng ta luôn có lực lượng y tế cơ sở; đối với các trường hợp cháy nổ thường có liên quan đến hô hấp và bỏng da. Nếu lực lượng y tế có mặt sớm sẽ giúp ích cho nhiều nạn nhân sơ cứu ban đầu tốt hơn. Vì vậy, đại biểu đề nghị Điều 24 quy định khi phát hiện cháy thì đơn vị y tế cơ sở nhanh chóng điều động người đến nơi sẽ cháy để phục vụ cấp cứu người bị nạn...
Minh Tuệ